TheínhsáchIsraelápdụngđểgiamngườiPalestinevôthờihạtra cuu ma so bhxho thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày qua, Hamas đã thả 70 con tin Israel để đổi lấy sự tự do cho 210 người Palestine trong các nhà tù Israel, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Trong danh sách gửi cho truyền thông, chính quyền Israel đều gọi những tù nhân Palestine được thả theo thỏa thuận là "khủng bố". Một số bị kết án với các tội danh như cố ý giết người, một số khác bị bắt giam vì các hành động "ném đá" hoặc mang theo dao, trong khi nhiều người khác bị giam mà không có bất kỳ cáo buộc nào.
Tại Bờ Tây, nơi hầu hết chịu quản lý của quân đội Israel, chính quyền Israel đã bắt số người Palestine gần bằng số được thả trong vài ngày qua. Những đợt bố ráp ở Bờ Tây sau cuộc đột kích ngày 7/10 của Hamas đã khiến số người Palestine bị bắt giam ở Israel tăng gần gấp đôi.
Hơn 3.000 người Palestine, chủ yếu ở Bờ Tây, bị lực lượng an ninh Israel bắt trong đợt bố ráp, theo các nhóm nhân quyền Palestine. Phần lớn bị đưa vào nhà tù theo chính sách "giam hành chính", hình thức bắt giam mà không cần thông qua xét xử và có thể được chính quyền Israel gia hạn vô thời hạn.
Chính sách "giam hành chính" được Israel thực hiện theo Sắc lệnh về Các điều khoản An ninh. Sắc lệnh này cho phép chỉ huy quân sự Bờ Tây ra lệnh bắt giam bất cứ người nào nếu sĩ quan này "có cơ sở hợp lý để tin rằng điều đó sẽ đảm bảo an ninh công cộng".
Cơ sở mà chỉ huy quân sự Bờ Tây dựa vào để ra lệnh giam hành chính có thể được coi là tài liệu mật, không được tiết lộ với công chúng, ngay cả với người bị bắt. Người Palestine ở Bờ Tây có thể bị bắt giam hành chính nếu chỉ huy quân sự vùng tin rằng người đó có thể phạm luật trong tương lai.
Do đây được coi là biện pháp phòng ngừa, nó không có giới hạn về thời gian tạm giữ. Người bị bắt có thể bị giam 6 tháng mà không có bất cứ quy trình pháp lý nào và chỉ huy quân sự có thể tiếp tục gia hạn lệnh giam, mỗi lần 6 tháng, không hạn chế số lần gia hạn.
Điều này đẩy hàng nghìn người Palestine vào tình cảnh tuyệt vọng, khi bị bắt mà không rõ lý do, không biết khi nào được thả, không có bất cứ thủ tục truy tố, xét xử hay kết án nào
Trước khi xung đột Gaza bùng nổ, khoảng 5.000 người Palestine đã bị Israel giam, trong đó khoảng 1.300 người bị "giam hành chính". Từ 1/10 tới 1/11, số người bị giam hành chính đã tăng lên 2.070 người.
Tala Nasir, luật sư của Addameer, nhóm hoạt động vì tù nhân Palestine ở Bờ Tây, cho biết hiện có hơn 7.000 người Palestine bị giam trong các nhà tù Israel.
"Mặc dù không hoàn toàn bị cấm theo luật quốc tế, biện pháp giam hành chính chỉ được phép áp dụng trong những trường hợp đặc biệt và phải tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt", Elizabeth Rghebi, giám đốc vận động khu vực Trung Đông và Bắc Phi thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế Mỹ, nói.
Những người chỉ trích Israel cho rằng ngay cả những người bị buộc tội cũng phải đối mặt với hệ thống pháp lý bất công. Người Palestine ở Bờ Tây khi bị truy tố sẽ phải ra tòa án quân sự Israel và 99% trong số họ bị kết án.
"Người Palestine thường xuyên bị từ chối tiếp cận luật sư bào chữa và đối mặt rào cản ngôn ngữ và phiên dịch sai lời khai tại tòa", Abdallah Fayyad, nhà phân tích của Vox, cho hay.
Chính sách bắt giam người Palestine từ lâu đã làm tăng thêm làn sóng phẫn nộ đối với hoạt động chiếm đóng của Israel trong khu vực. "Quyết định bắt giam những người chưa bị kết án hoặc bị kết án với bất kỳ cáo buộc nào dựa trên bằng chứng bí mật không thể kháng cáo là quyền lực cực đoan. Israel đã liên tục sử dụng nó để bắt giam hàng trăm người Palestine", nhóm nhân quyền Israel B'Tselem cho hay.
Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn sau cuộc đột kích đẫm máu của Hamas vào Israel ngày 7/10. "Giam hành chính là một trong những công cụ quan trọng để Israel thực thi hệ thống phân biệt chống lại người Palestine", Heba Morayef, giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói tháng này.
Bà Morayef cũng chỉ ra nhiều thông tin về tình trạng bạo lực đối với người Palestine bị bắt trong những tuần gần đây. "Nhiều lời khai và video cho thấy lực lượng Israel có hành động ngược đãi tù nhân, như đánh đập và sỉ nhục những người Palestine vốn bị giam trong điều kiện tồi tệ", bà nói.
Giới chức Israel nhiều năm qua tranh luận rằng chính sách giam hành chính cũng được nhiều nước áp dụng và trở thành biện pháp phòng ngừa cần thiết để đảm bảo an ninh ở Bờ Tây. Tel Aviv cũng tuyên bố họ bắt người Palestine vì những lo ngại an ninh chính đáng, như nguy cơ tham gia tấn công bạo lực.
Trong những tuần gần đây, các quan chức Israel đã phản bác những lời chỉ trích mà Liên Hợp Quốc và Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra nhắm vào chính sách giam hành chính, cho rằng đây là hành động "bài Do Thái" và "thiên vị", theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel.
Tuy nhiên, việc Israel áp dụng chính sách giam hành chính từ lâu bị các nhà quan sát quốc tế chỉ trích. Báo cáo của Nghị viện châu Âu năm 2012 mô tả giam hành chính là chiến thuật được sử dụng để "hạn chế hoạt động chính trị của người Palestine". Năm 2020, Michael Lynk, khi đó là báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền tại các vùng lãnh thổ Palestine, kêu gọi Israel bãi bỏ hình thức bắt giam này.
"Khi một nhà nước dân chủ bắt giam bất kỳ ai, họ cần phải buộc tội người đó bằng cách đưa ra bằng chứng trong một phiên tòa công khai, cho phép bị cáo bào chữa và cố gắng thuyết phục cơ quan tư pháp về các cáo buộc được đưa ra", Lynk nói.
Thanh Tâm(Theo Washington Post, Vox)