Lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục bị bào mòn
Ngày 9.11,Điệntănggiáaibịtácđộngmạnhnhấgóc bẹt Tập đoàn Điện lực VN (EVN) thông báo tăng giá điện bình quân thêm 4,5%, tương đương 86,4 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là lần thứ hai giá điện tăng trong năm nay, sau lần tăng đầu tháng 5 với mức tăng 3%. Theo tính toán của EVN, sau khi giá điện được điều chỉnh, mỗi tháng đối với khách hàng sử dụng bậc 1 (0 - 50 kWh), tiền điện tăng thêm 3.900 đồng; bậc 2 (51 - 100 kWh) tăng 7.900 đồng; bậc 3 (101 - 200 kWh) tăng 17.200 đồng; bậc 4 (201 - 300 kWh) tăng 28.900 đồng; bậc 5 (301 - 400 kWh) tăng 42.000 đồng và bậc 6 (từ 401 kWh trở lên) tăng thêm 55.600 đồng.
Đối với các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, số tiền tăng thêm phụ thuộc vào việc sử dụng và tỷ lệ sử dụng điện ở từng thời điểm cao điểm và thấp điểm. Trong đó, ngành dịch vụ (547.000 khách hàng) tiền điện mỗi tháng tăng thêm khoảng 230.000 đồng/tháng; nhóm sản xuất (hơn 1,9 triệu khách hàng) trả thêm 423.000 đồng/tháng; khách hàng hành chính sự nghiệp (681.000 khách hàng) trả thêm 90.000 đồng/tháng. EVN đánh giá việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.
Dù các hộ nghèo không bị ảnh hưởng lớn nhưng hộ trung bình, thu nhập cao và đặc biệt doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh phải trả tiền điện cao hơn đáng kể. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội cơ khí - điện TP.HCM, bày tỏ lo lắng trước việc giá điện tăng lần thứ hai trong năm, đặc biệt rơi vào thời điểm quý cuối năm.
Theo ông, DN sản xuất, nhất là trong các ngành tiêu tốn nhiều điện năng như cơ khí, sắt thép… sắp tới sẽ đau đầu hơn trong tính toán, cân đong đo đếm các khoản chi phí. Với các đơn hàng cũ đã thỏa thuận xong giá cả thì chấp nhận chi phí đội lên, nhưng đơn hàng mới cũng không dám tăng giá bởi áp lực cạnh tranh vô cùng lớn. Theo tính toán của ông Tống, với mức tăng giá điện bình quân thêm 4,5%, tương đương chi phí đầu vào của DN sản xuất ngành cơ khí tăng khoảng hơn 1% trong thời gian tới.
"Chúng tôi sản xuất xuất khẩu ra nước ngoài và bán cho DN nước ngoài tại VN. Nếu tăng giá bán, họ sẽ mua hàng từ các nước lân cận như Trung Quốc ngay. Với việc đầu tư cải tiến mạnh về máy móc, ngành cơ khí TP.HCM đã tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng của thế giới. Tuy nhiên, khách hàng có rất nhiều lựa chọn, thế nên với DN, đau đầu nhất là cạnh tranh về giá cả. Đó là lý do chi phí có tăng nhưng chắc chắn không dám tăng giá bán hàng, bởi phải nương theo giá thế giới và mặt bằng giá thị trường. Tăng giá bán, mất khách hàng như chơi. Vì vậy, trước mắt là lợi nhuận khiêm tốn của DN tiếp tục bị thu hẹp mà thôi", ông Tống nói.
Tâm trạng của ông Tống cũng là tâm trạng của hầu hết các DN trong giai đoạn hiện nay, ngay cả với các DN siêu nhỏ. Bà Nguyễn Thái Trang - Công ty thời trang D&T, chuyên thiết kế và may áo quần thời trang tuổi trung niên - thừa nhận trong giai đoạn khó khăn hiện nay, có thêm vài khách hàng mua sỉ đã quá khó khăn. Từ đầu tháng 10, công ty tung thêm chính sách giảm giá để kích cầu mùa mua sắm. Với mức tăng 4,5%, kế toán của công ty ước tính hóa đơn tiền điện tháng tới có thể tăng thêm hơn 6 triệu đồng.
Bà Thái Trang băn khoăn: "Không biết công ty điện lực sắp tới tăng cụ thể thế nào, nhưng với khoản tăng thêm mà chúng tôi ước tính cũng gần như chi "nuôi" thêm một lương công nhân, trong khi công ty đang tính giảm nhân sự từng khâu để giảm chi phí. Cho dù thế nào, công ty cũng không thể chuyển tiếp khoảng chi phí này sang người tiêu dùng mà chấp nhận. Vì vậy, giá điện tăng có thể ăn mòn một phần không nhỏ vào lợi nhuận của DN".
Kiểm soát "tát giá theo điện"
Mặc dù các DN cho biết không dám tăng giá bán nhưng theo các chuyên gia, giá cả một số mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng nhẹ bởi rơi vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận xét với ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí sản xuất khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo giá thành, giá bán ảnh hưởng theo. Ngoài ra, các ngành tiêu thụ điện cao sẽ bị áp lực lớn. Dẫn chứng số liệu của Mirae Asset tính toán vào tháng 5, khi giá điện bình quân tăng 3%, TS Nguyễn Quốc Việt thông tin tại thời điểm đó, ước tính chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với DN sản xuất thép, mức này cũng tương đương với DN làm trong ngành hóa chất. Còn ngành xi măng tăng đến 14%, ngành giấy tăng 5%... Nay giá điện bình quân tăng thêm 4,5%, chắc các ngành tiêu thụ điện cao sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Chuyên gia này nhận định: "Tình hình này chắc chắn sẽ gây áp lực lên lạm phát cuối năm khi mà chỉ số tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và các hoạt động ăn uống phục vụ tết sẽ ảnh hưởng bởi thời gian cuối năm đã cận kề, sản xuất tăng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân, gấp rút đầu tư công, xuất khẩu có nhúc nhích tăng kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng. Thế nên, nói gì thì nói, DN sản xuất những tháng cuối năm phải khéo co kéo lắm mới có chút lợi nhuận, bằng không sẽ kết thúc thêm một năm khó chồng khó".
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, khẳng định chi phí sản xuất, tiêu dùng chắc chắn sẽ bị tác động nhất định do giá điện tác động đến mọi mặt hàng, dịch vụ, song mức độ ảnh hưởng không lớn. Ông phân tích, với mức tăng 4,5% của giá điện bình quân, đẩy chi phí sản xuất tăng đâu đó chưa tới 0,2% trong tổng chi cho sử dụng điện. Mức tăng này là không đáng kể để có thể ảnh hưởng đến giá cả.
Dù vậy, ông Thịnh lưu ý phải kiểm soát tốt giá cả nhằm tránh tình trạng "tát giá theo điện". Giá hàng hóa dịp cuối năm thường tăng do chuẩn bị Tết Nguyên đán, thường DN tích trữ hàng hóa để sản xuất. Nếu không kiểm soát chặt, có thể diễn ra tình trạng lợi dụng điện tăng để tăng giá hàng hóa, dẫn tới giá chồng giá, tăng chồng tăng.
"Cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường trong thời gian tới phải giám sát kỹ và thường xuyên hơn. Về vĩ mô, lạm phát đến đầu tháng 11 vẫn trong vòng kiểm soát tốt, khoảng 3,2%, trị giá tiền đồng cũng đang tăng tốt so với đồng USD. Trong khi đó, chỉ còn 1 tháng rưỡi nữa là tổng kết năm, thời gian quá ngắn để nói giá điện ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Dự báo trong năm nay, CPI sẽ dưới ngưỡng cho phép của Quốc hội là 4,5%", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Tăng cường thêm giải pháp "chống sốc"
Dẫn tính toán đánh giá của Tổng cục Thống kê về tác động của giá điện tăng đến chỉ số giá tiêu dùng, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), nói chỉ số CPI có thể tăng 0,035% sau giá điện tăng. Theo ông Hòa, với lần tăng giá vừa rồi, giá điện tăng vẫn đang dưới mức giá thành sản xuất điện năm 2023. Việc tăng giá điện lần này chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh điện, bên cạnh đó, khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỉ đồng của năm trước cũng không được tính toán trong giá điện.
Vấn đề dòng tiền âm của ngành điện ai cũng hiểu nhưng tăng giá vào thời điểm cuối năm, khi kinh tế khó khăn, xuất khẩu sụt giảm, số DN rời thị trường tăng, sức mua yếu, thu nhập giảm… sẽ tạo áp lực không nhỏ cho cả người dân và DN.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét ngành điện khá "khéo léo" khi chọn thời điểm tăng giá ngay đúng tiết lập đông, nhu cầu sử dụng điện làm mát ở khu vực phía bắc và trung có thể giảm. Theo đó, hóa đơn tiền điện với mỗi hộ gia đình trong giai đoạn này có tăng, nhưng sẽ cảm giác tăng không mạnh do tiêu thụ điện năng giảm. Ông cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, việc tính toán hợp lý mức tăng để vừa đủ cho EVN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, tái đầu tư, vừa khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và DN là rất cần thiết.
Dù vậy, ông Việt cũng thừa nhận đa số DN đều khó khăn, thua lỗ nhiều, sản xuất ngưng trệ do sức mua trong nước và trên toàn cầu đều giảm nên việc tăng giá điện lúc này là gián tiếp tạo thêm gánh nặng. Vì thế, cần có giải pháp "chống sốc" cho DN bằng tạo thuận lợi tiếp cận vốn vay, giảm tải thủ tục hành chính… Về phía EVN, chuyên gia này góp ý các khoản chi như chi thường xuyên, chi đầu tư, chi chế độ lao động... cần được tính toán để cân đối nguồn tài chính. Bởi về lâu dài, việc lỗ lã của DN không thể và không nên dồn lên giá điện.
Trong tương lai, xu hướng tăng giá đầu vào sản xuất vẫn rất cao bởi diễn biến không thuận lợi từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới, kéo dài ảnh hưởng đến sự ổn định tỷ giá. Lúc đó, áp lực đảm bảo mục tiêu lạm phát dưới 4,5 % mà Quốc hội vừa thông qua cho năm 2024 có thể bị thách thức. Đó là chưa tính đến các yếu tố cải cách tiền lương áp dụng từ giữa năm tới. "Trong thực tế, các loại giá dịch vụ cơ bản đã và đang áp lực chực chờ đòi tăng nhưng đã bị nén lại nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô của năm 2023 là 3,2 - 3,3%. Với đà tăng giá này, áp lực lạm phát kéo dài đến năm sau", TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), nhận xét mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thế nên, ảnh hưởng từ tăng giá điện lên CPI là không đáng lo. Tuy nhiên, chính chi phí đầu vào của DN sản xuất tăng do giá điện tăng đã đẩy tâm lý lo lắng cuối năm. Đây là điều mà cơ quan quản lý phải lường trước được.
"Trong thực tế, việc chia 2 lần tăng giá điện cũng nằm trong ngụ ý đó. Kết quả kiểm toán cho thấy chi cho sản xuất điện tăng mạnh trong năm qua và năm nay cũng có tăng tuy không bằng năm trước. Nên việc tăng giá điện là khó tránh khỏi. Điều hành vĩ mô bằng cách chia nhỏ số lần tăng ra để tránh gây sốc, nhưng không thể "chống sốc" cho hết thảy. May mắn trong lúc này giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng giảm, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này cũng được kiến nghị tiếp tục giảm 50%... Các yếu tố này hy vọng sẽ là phần giúp cân bằng chi phí của DN cũng như người tiêu dùng", ông Độ phân tích.
Tăng giá điện giúp EVN thu thêm khoảng 3.200 tỉ đồng
Đại diện EVN cho biết việc tăng giá điện lần này sẽ giúp tập đoàn tăng thu khoảng 3.200 tỉ đồng từ nay tới cuối năm, giúp giảm một phần khó khăn của năm 2023. Trước đó, tại lần tăng giá điện đầu tháng 5, EVN thu thêm được 8.000 tỉ đồng trong năm nay. Tuy vậy, 2 lần tăng giá này vẫn chưa bù hết khoản lỗ từ năm ngoái đến nay. Đến hết tháng 8, ước tính số lỗ của EVN dự kiến lên tới hơn 28.700 tỉ đồng. Nếu tính chung số lỗ 26.500 tỉ đồng của năm 2022 (chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá) và 8 tháng của năm 2023, EVN lỗ tổng cộng trên 55.000 tỉ đồng.
Năm 2023, theo EVN, một vài thông số đầu vào ảnh hưởng tới chi phí, trong đó sản lượng thủy điện - nguồn điện giá rẻ - giảm 17 tỉ kWh. Giá các nhiên liệu đầu vào duy trì ở mức cao, như than nhập khẩu tăng 186% so với 2020; than trong nước tăng gần 30 - 46% so với giá năm 2021. Giá dầu cũng tăng 18% so với 2021, nhất là tỷ giá ngoại tệ tăng gần 4%, ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí mua điện và giá thành điện của EVN.
EVN xây dựng khung giá phát điện cho nguồn năng lượng gió, mặt trời
EVN vừa có văn bản yêu cầu Công ty Mua bán điện (EPTC) tính toán, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện gió, điện mặt trời theo phương pháp xây dựng khung giá phát điện của Bộ Công thương. Trước đó, EVN nhận được Văn bản số 7695 ngày 2.11 của Bộ Công thương về việc xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho các loại hình nhà máy điện.
EVN yêu cầu EPTC tính toán, xây dựng khung giá phát điện (có thể thuê tư vấn nếu cần thiết) của nhà máy điện mặt trời (điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi), điện gió (điện gió trong đất liền, điện gió trên biển và điện gió ngoài khơi) theo đúng Thông tư số 19/2023 ngày 1.11.2023 của Bộ Công thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện gió, mặt trời. Về phương pháp, công thức tính giá dựa trên các thông số liên quan (chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng cố định, lãi suất, giao nhận điện...).
Còn về phương pháp xây dựng khung giá phát điện dựa vào thông số công suất lắp đặt, đời sống kinh tế dự án, thời gian trả nợ, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/vốn vay, tỷ suất lợi nhuận, hệ số phân bố chuẩn tương ứng với điện năng kỳ vọng đối với điện gió; các thông số suất đầu tư, tỷ lệ vốn vay ngoại tệ, tỷ lệ chi phí vận hành bảo dưỡng và thông số tính toán sản lượng điện bình quân nhiều năm nhà máy điện gió, mặt trời chuẩn được lựa chọn trên cơ sở tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn để đảm bảo tính phổ quát, cập nhật được số liệu trên thế giới, thay vì sử dụng số liệu quá khứ của các nhà máy điện; lãi suất vốn vay nội tệ và lãi suất vốn vay ngoại tệ được xác định theo số liệu thống kê của các tổ chức tín dụng.